Hầu như ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn khi bắt đầu một việc nào đó, đặc biệt là trên con đường sự nghiệp. Thật tốt khi có một người cố vấn, hướng dẫn ta nên suy nghĩ và làm như thế nào cho đúng. Chính vì thế, thuật ngữ Mentor hay Mentee có lẽ đã trở nên quen thuộc hơn với chúng ta. Nếu bạn chưa biết rõ Mentor là gì thì cũng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Mentor là gì?
Mentor, hay còn gọi là người cố vấn, là những người hướng dẫn, giúp đỡ người khác trong quá trình phát triển cá nhân. Mentor cung cấp kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn hữu ích cho người được cố vấn (Mentee) bằng cách đưa ra những lời khuyên, hỗ trợ và trả lời các câu hỏi của Mentee. Mối quan hệ này giúp cho Mentee có những nhận thức và tìm được hướng đúng đắn để cố gắng trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình hay nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp.
Thế nào là một Mentor tốt?
Yếu tố đánh giá liệu người Mentor ấy có tốt hay không không phải là tuổi tác hay quyền lực người đó sở hữu, mà là các tố chất sau đây:
Trình độ chuyên môn: Một trong những yêu cầu đầu tiên để trở thành một Mentor hiệu quả đó là có kiến thức chuyên môn vững chắc và dày dặn kinh nghiệm. Mentor không nhất thiết là người có chức cấp cao hoặc có nhiều năm làm việc trong một lĩnh vực, nhưng các kỹ năng của họ đủ vững chắc để biến chúng thành những lời khuyên có giá trị cho người khác.
Lắng nghe một cách tích cực: Để hiểu được nhu cầu và mục tiêu của Mentee, người cố vấn cần biết cách tập trung lắng nghe để đưa ra những phản hồi hiệu quả nhất.
Khả năng giao tiếp: Mentor sẽ chỉ dẫn Mentee của mình hiệu quả hơn khi họ sở hữu khả năng giao tiếp tuyệt vời. Họ có thể thể hiện hết những ý tưởng mình, giúp Mentee hiểu rõ hơn vấn đề đang gặp phải. Từ đó tạo ra sự tương thích giúp mối quan hệ này trở nên gắn kết hơn.
Sự thấu hiểu: Một Mentor tốt sẽ dành thời gian để quan tâm, hiểu hơn về Mentee của mình. Điều này liên quan đến việc đặt ra câu hỏi về nền tảng, ước muốn hay đơn giản là cách mà Mentee học tập, tận hưởng thời gian của họ.
Làm thế nào để tìm cho mình một Mentor?
Điều đầu tiên trong việc tìm kiếm cho mình một Mentor chính là học cách tạo các mối quan hệ lành mạnh, chẳng hạn như tham gia các câu lạc bộ mình thích trong trường để làm quen với các anh chị khóa trước chẳng hạn.
Khi bạn mong muốn ai đó trở thành Mentor của mình, hãy tìm cách liên hệ và bắt đầu xây dựng mối quan hệ với họ. Tuy nhiên, bạn phải làm điều này một cách tinh tế và tự nhiên, như cách bạn mang lại sự gần gũi, khăng khít giữa “thầy và trò”. Một tip cho bạn là khi muốn hỏi ý kiến của Mentor về một chủ đề vào đó thì hãy chuẩn bị sẵn một số câu hỏi và đừng bắt họ phải trả lời ngay lập tức vì dễ tạo nên sự phiền hà, khó chịu cho họ đấy.
Bản thân Mentee nên làm gì?
Tùy thuộc vào tính cách, mục tiêu và sự kỳ vọng, các mối quan hệ Mentor-Mentee có thể khác nhau. Tuy nhiên, để trở thành một người Mentee thành công thì bạn nên rèn luyện cho mình những tố chất, kỹ năng sau:
Sự tôn trọng: Tôn trọng và tin tưởng là hai yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa Mentor và Mentee. Mentee phải có sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với Mentor vì họ đã dành thời gian và chia sẻ những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân họ học được.
Sự nỗ lực: Một Mentee được đánh giá cao khi họ luôn nỗ lực làm việc và học hỏi từ lời khuyên của người cố vấn. Điều này không chỉ thể hiện sự nghiêm túc đối với mục tiêu đã đề ra mà còn là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với Mentor của mình.
Sẵn sàng tiếp thu, học hỏi: Khi Mentor đã bỏ công sức chỉ dẫn thì Mentee phải sẵn sàng tiếp thu những đánh giá, kiến thức đó, bao gồm cả những phản hồi tích cực và lời phê bình mang tính xây dựng. Những phản hồi thực tế từ một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ giúp cho Mentee xác định được điểm mạnh và tập trung sửa đổi những điểm yếu của bản thân.
Làm Mentor thì có lợi ích gì?
Có thể nhiều người cho rằng, mối quan hệ Mentor-Mentee rõ ràng chỉ có lợi cho một phía là Mentee vì họ học tập được nhiều điều bổ ích, còn Mentor thì không. Lối suy nghĩ này có phần không đúng.
Đây là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi bởi chúng cũng có thể mang lại giá trị cá nhân cho người cố vấn. Với vai trò là một Mentor, họ có thể cải thiện mạng lưới quan hệ trong nghề, rèn luyện những kỹ năng, kiến thức chuyên môn, đồng thời mang lại cảm giác thỏa mãn, tự hào. Nhiều Mentor đã bày tỏ sự hãnh diện khi người mình cố vấn đạt được những thành công trên con đường sự nghiệp của họ. Trong một số trường hợp, trở thành một Mentor sẽ giúp cho họ cập nhật được thông tin, xu hướng mới trong ngành.
Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu hơn Mentor là gì và có thể tìm kiếm cho mình một người Mentor tốt nhất.