PR là gì? Tầm quan trọng, nhiệm vụ và kỹ năng cần thiết

PR gần đây đang là một trong những ngành nghề nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là ở giới trẻ. Bài viết sau sẽ giải thích cho bạn PR là gì và tầm quan trọng, công việc của một nhân viên PR.

PR là gì?

Public Relation (PR) hay còn được gọi là Quan hệ công chúng, là một quá trình truyền thông chiến lược được đặt ra với mục đích xây dựng và duy trì mối quan hệ có lợi giữa hai bên, đặc biệt là giữa công ty, cá nhân với truyền thông, công chúng. PR bao gồm các hoạt động như phát triển chiến lược truyền thông, chia sẻ thông tin về công ty, cá nhân, câu hỏi liên quan đến thương hiệu và hình ảnh của thương hiệu.

Hiện nay, PR có 7 loại hình phổ biến được nhiều thương hiệu nổi tiếng áp dụng:

  • Quan hệ truyền thông
  • Tổ chức sự kiện
  • Quan hệ cộng đồng
  • Truyền thông nội bộ
  • Xử lý khủng hoảng truyền thông
  • Trách nhiệm xã hội
  • Truyền thông mạng xã hội và trực tuyến

Tầm quan trọng của PR

PR quan trọng vì nó là xây dựng niềm tin cho thương hiệu. Quản lý danh tiếng là một phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của công chúng đối với thương hiệu. Đây là một quá trình lâu dài, cần nhiều sự nỗ lực chứ không thể đạt được bằng duy nhất một dự án hay chiến lược nào đó. Nhóm PR có nhiệm vụ liên tục đánh giá và duy trì, củng cố cho độ uy tín của thương hiệu.

Thông qua các hoạt động PR, cá nhân, tổ chức có thể tăng khả năng hiển thị thương hiệu trực tiếp và trực tuyến. Thương hiệu có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng tiềm năng hơn và khiến họ ghi nhớ thương hiệu một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông, các nhà báo sẽ giúp những thông tin tích cực phủ sóng mạnh mẽ hơn.

PR cũng có thể hỗ trợ xây dựng cộng đồng, cho phép đối tượng mục tiêu tương tác trên mạng xã hội, từ đó đánh giá phản ứng của người dùng, của khán giả đối với thương hiệu.

Công việc của nhân viên PR là gì?

Sau đây là một số nhiệm vụ chung mà mọi nhân viên PR đều phải đảm nhận dù họ làm cho các lĩnh vực khác nhau:

  • Lập kế hoạch chiến lược truyền thông và chiến dịch quảng cáo.
  • Viết và sản xuất các bài thuyết trình, bài báo, thông cáo báo chí và các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội.
  • Nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp thông qua mạng xã hội, các nền tảng khác nhau.
  • Giải quyết các thắc mắc của công chúng, nhà báo và các tổ chức có liên quan.
  • Tổ chức sự kiện như họp báo, khai trương, triển lãm, tham quan, hội nghị…
  • Cung cấp cho khách hàng thông tin về tiến độ chiến dịch PR đang tiến hành.
  • Phân tích mức độ phủ sóng của phương tiện truyền thông.
  • Thực hiện nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu.
  • Đề xuất các giải pháp xử lý khủng hoảng, sự cố, giải quyết tranh chấp trong nội bộ hoặc bên ngoài.
  • Nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với phóng viên, nhà báo.

Các kỹ năng cần thiết để trở thành nhân viên PR

PR đòi hỏi bạn phải sở hữu nhiều kỹ năng mềm. Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời là một trong những yêu cầu hàng đầu để làm việc trong ngành PR. Bên cạnh đó, khả năng giải quyết vấn đề và đàm phán sẽ là công cụ giúp bạn xử lý công việc nhanh chóng khi gặp phải sự cố hay quản lý tài chính, lãnh đạo nhóm. Kỹ năng viết tốt cũng vô cùng cần thiết khi bạn phải thường xuyên viết thông cáo báo chí, bài đăng trên mạng xã hội.

Công việc sẽ yêu cầu nhân viên PR phải biết cách giữ không khí vui vẻ, giúp hai bên hướng đến mục tiêu chung cùng có lợi. Quản lý thời gian cũng là một kỹ năng quan trọng bởi nếu bạn lập kế hoạch kém thì các chiến dịch khó có thể đạt đến thành công và dễ gặp trường hợp liên tục bị trì hoãn. Hãy tập cách lập kế hoạch hợp lý để giảm thiểu các rào cản như đã dự đoán là chìa khóa dẫn đến thành công trong lĩnh vực PR. Và cuối cùng, bạn nên sở hữu tố chất có tầm nhìn xa, đồng thời nắm vững kiến thức chuyên môn trong ngành sẽ là tiền đề tạo nên niềm tin vững chắc trong lòng khách hàng.

Phân biệt PR và Communication

Nhiều người có sự nhầm lẫn giữa PR (Quan hệ công chúng) và Communications (Truyền thông). PR là một phần của Communications. Nói cách khác, các hoạt động của PR đều thuộc Communications.

PR tập chung vào việc xây dựng và quản lý thương hiệu. Điều này liên quan đến các hoạt động thiết lập mối quan hệ thân thiết với các bên liên quan như giới truyền thông, khách hàng, nhà đầu tư hay nhân viên. Trọng tâm của PR là các mối quan hệ làm tăng giá trị thương hiệu và quản lý hình ảnh, độ uy tín của thương hiệu PR nhắm vào.

Trong khi đó, Communications là việc truyền tải thông điệp và mục tiêu của Truyền thông chủ yếu là người tiêu dùng. Họ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.

Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về PR là gì và đồng thời là công việc, tầm quan trọng và kỹ năng cần thiết để trở thành nhân viên PR.

KCS là gì? Tầm quan trọng của KCS trong sản xuất

Có thể nói việc đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt nhất khi đến tay khách hàng là rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Chính vì thế thuật ngữ KCS có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với những ai làm trong quy trình sản xuất. Nếu bạn chưa biết đến KCS là gì thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

KCS là gì?

KCS là từ viết tắt của Kiểm tra chất lượng sản phẩm, tương tự như Quality Control (QC). Đây là một quy trình mà qua đó doanh nghiệp có thể tìm cách đảm bảo chất lượng sản phẩm được duy trì hoặc cải thiện, xác định xem thành phẩm có đạt yêu cầu đã được đề ra không. KCS đòi hỏi công ty phải tạo ra một môi trường quản lý và nhân viên cố gắng đạt đến sự hoàn hảo.

Một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém trong KCS đó là thiết lập các biện pháp kiểm soát một cách rạch rõ ràng, giúp tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất liên quan đến vấn đề chất lượng, an toàn cho khách hàng khi sử dụng và hạn chế khả năng sản phẩm thiếu hụt hay mắc lỗi ở mức tối thiểu.

Tầm quan trọng của KCS

Ngày nay, KCS có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của nhiều ngành nghề như may mặc, xây dựng, cơ khí, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, điện tử… KCS giúp cho sản phẩm và công ty thành công và tồn tại. Khi sản phẩm thiếu chất lượng sẽ làm cho khách hàng cảm thấy không hài lòng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh. KCS phải đảm bảo rằng hàng hóa không bị lỗi trước khi được đưa ra thị trường. Công ty có đội ngũ KCS tốt thì chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn. Phát hiện lỗi kịp thời có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại cho công ty.

Đặc biệt trong ngành sản xuất thực phẩm và dược phẩm, KCS sẽ ngăn chặn các trường hợp sản phẩm gây hại cho sức khỏe và kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất để đảm bảo không có sự cố xảy ra khi khách hàng sử dụng.

Nhân viên KCS làm những công việc gì?

Tùy thuộc vào lĩnh vực và quy trình sản xuất của từng công ty mà các nhân viên KCS có thể có những nhiệm vụ khác nhau. Nhìn chung, hầu như các nhân viên KCS sẽ làm một số công việc như:

  • Đọc bản thiết kế và thông số kỹ thuật của sản phẩm.
  • Giám sát các hoạt động trong quy trình sản xuất nhằm đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra.
  • Đề xuất, điều chỉnh quy trình lắp ráp hoặc sản xuất.
  • Kiểm tra, thử nghiệm và đo lường vật liệu, nguyên liệu nhập kho hoặc sản phẩm sau khi hoành thành.
  • Vận hành thiết bị và phần mềm kiểm định.
  • Dựa vào đánh giá của khách hàng để xác định chất lượng sản phẩm.
  • Chấp nhận hoặc từ chối các mặt hàng đã hoàn thành.
  • Loại bỏ tất cả các sản phẩm và vật liệu không đáp ứng tiêu chuẩn đã đặt ra.
  • Báo cáo dữ liệu đã kiểm tra và thử nghiệm cho cấp trên.
  • Giải quyết khiếu nại, thắc mắc của khách hàng về chất lượng sản phẩm.

Cần tố chất và kỹ năng gì để trở thành nhân viên KCS?

Với nhiệm vụ đảm bảo tiêu chuẩn luôn được đáp ứng và chất lượng là ưu tiên hàng đầu, một nhân viên KCS tốt cần sở hữu những tố chất, kỹ năng như:

  • Chú ý đến tiểu tiết để phát hiện những lỗi bất thường.
  • Khả năng suy nghĩ logic.
  • Kỹ năng về toán học – các thông số kỹ thuật đo lường, hiệu chỉnh và tính toán dữ liệu.
  • Khả năng đọc bản thiết kế, tài liệu kỹ thuật.
  • Kinh nghiệm về Hệ thống quản lý chất lượng (QMS).
  • Kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp nhân viên KCS giải quyết các vấn đề của khách hàng và các vấn đề về sản xuất, cũng như phát triển chiến lược để cải thiện chất lượng sản phẩm.
  • Sức khỏe tốt, có thể làm việc dưới áp lực cao.
  • Có trách nhiệm cao trong công việc.

Học gì để trở thành nhân viên KCS?

Để làm việc trong ngành nghề KCS, các bạn trẻ có thể chọn những ngành học liên quan đến sản phẩm của công ty như ngành công nghệ thực phẩm, hóa thực phẩm, ngành về điện, cơ khí hay ngành công nghệ… Bên cạnh đó, còn có thể chọn ngành quản trị chất lượng, đây được cho là ngành học rất gần với công việc KCS.

Ngoài ra, có khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ mở rộng thêm nhiều cơ hội tiềm năng cho nhân viên KCS và các kỹ năng về tin học văn phòng, phần mềm quản lý, kỹ năng toán học, cơ khí… sẽ là công cụ đắc lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.

Con đường sự nghiệp

Tùy theo lĩnh vực kiểm soát chất lượng mà mỗi nhân viên KCS sẽ có lộ trình thăng tiến khác nhau. Thông thường, để làm vị trí KCS bạn cần vài năm kinh nghiệm trong ngành của mình, đó là khi bạn đáp ứng được các yêu cầu về trình độ học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc.

Khi đã làm việc như một nhân viên KCS trong khoảng thời gian đủ để có kinh nghiệm dày dặn, bạn sẽ tiếp tục thăng tiến thành chuyên gia kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp cao và đảm nhận nhiệm vụ quản lý các nhóm KCS.

Trên đây là bài viết về KCS là gì và tầm quan trọng của KCS đối với nhiều ngành nghề. Hy vọng bài viết này giúp bạn có những thông tin cần thiết để có những lựa chọn đúng đắn cho con đường sự nghiệp của mình cho này.

Developer là gì? Nhiệm vụ và tố chất của một Developer

Trong thời đại 4.0 hiện nay, những ngành nghề liên quan đến công nghệ ngày càng được quan tâm và săn đón hơn bao giờ hết. Trong đó, Developer được đánh giá là một nghề nhiều tiềm năng để phát triển. Nếu bạn chưa hiểu rõ về Developer thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Developer là gì?

Developer (Dev) hay còn gọi là lập trình viên, nhà lập trình máy tính hay kỹ sư phần mềm. Họ là một chuyên gia về một ngôn ngữ lập trình nào đó và dùng chúng để viết phần mềm, quản lý và phát hiện lỗi trong chương trình máy tính. Developer cũng thực hiện những công việc liên quan đến tạo, sửa đổi và quản lý phần mềm và trải nghiệm người dùng.

Hiện nay, Developer được chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau, như:

  • Mobile Developer: nhà phát triển ứng dụng di động
  • Full-stack Developer: người phụ trách front-end và back-end của một hệ thống
  • UI/UX Developer: chuyên gia thiết kế giao diện người dùng

Nhiệm vụ của Developer là gì?

Tùy thuộc vào công ty, dự án và lĩnh vực mà nhiệm vụ của các Developer có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, có những công việc chung mà hầu như mọi Developer đều phải làm. Nhìn chung những công việc ấy có tính chất của một quy trình như thiết kế, triển khai, thử nghiệm và bảo trì:

Thiết kế và tạo phần mềm

Developer sẽ nắm bắt nhu cầu và ý tưởng mà khách hàng muốn. Từ đó, Developer sẽ lập kế hoạch chi tiết về cách thức thiết kế một phần mềm mới. Tiếp theo, họ sẽ lên mốc thời gian hoàn thành dự án và giao sản phẩm cho khách hàng. Trong một số trường hợp, thời gian này sẽ không được chính xác vì trong quá trình xây dựng phần mềm có nhiều biến số gây ảnh hưởng nên khó có thể đánh giá độ dài chính xác của một dự án ngay từ đầu.

Kiểm tra chất lượng và thử nghiệm các phần mềm

Các phần mềm, ứng dụng mới luôn được kiểm tra để Developer liên tục đánh giá chất lượng công việc của họ. Việc này bao gồm kiểm tra phần mềm thực hiện đúng những gì nó phải làm và hoạt động theo đúng tiêu chuẩn của người dùng, chẳng hạn như tốc độ của trang web trong nhiều trường hợp khác nhau.

Điều chỉnh, nâng cấp và bảo trì phần mềm

Sau khi một phần mềm được tạo ra, điều quan trọng là duy trì chất lượng của chúng theo thời gian. Các phần mềm, ứng dụng sẽ luôn được điều chỉnh và nâng cấp khi phát hiện lỗi hoặc do khách hàng yêu cầu. Khi ấy, nhà phát triển phần mềm sẽ tìm cách tốt nhất để tối ưu hóa, sửa đổi ứng dụng hoặc trang web.

Ngoài ra, Developer còn có nhiều công việc khác như thiết kế thuật toán, gỡ rối phần mềm, thu thập và đánh giá phản hồi người dùng, đề xuất và thực hiện cải tiến…

Để trở thành Developer thành công cần những kỹ năng, tố chất nào?

Cũng như các vị trí ngành nghề khác, Developer cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng, tố chất cần thiết để làm tiền để dẫn tới thành công, cụ thể như:

  • Hiểu biết, thành thạo về công nghệ: Yêu cầu đầu tiên tất cả các nhà phát triển phần mềm phải có. Chúng liên quan đến việc hiểu biết về các ngôn ngữ lập trình khác nhau và framework. Sở hữu càng nhiều kiến thức và kỹ năng coding thì cơ hội làm việc rộng mở hơn.
  • Sự sáng tạo: Khả năng sáng tạo nên những ý tưởng mới cho phần mềm sẽ giúp cho ứng dụng Developer tạo ra có sự mới mẻ, nhiều tính năng hay, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của khách hàng đặt ra.
  • Khả năng làm việc nhóm: Công việc của Developer sẽ phải giao tiếp và hợp tác với nhiều người. Họ phải hiểu tầm nhìn của dự án, nhu cầu của khách hàng và truyền tải chúng đến các thành viên trong nhóm, đồng thời kiểm tra mọi khía cạnh của trang web, phần mềm với các thành viên để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi hoàn thành dự án.
  • Chú ý đến tiểu tiết: Một lỗi viết mã nhỏ cũng đủ làm ảnh hưởng đến chức năng của một ứng dụng. Chính vì thể, khả năng quan sát và chú ý đến tiểu tiết sẽ giúp Developer hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.
  • Khả năng xử lý vấn đề: Như đã đề cập, công việc của Developer bao gồm việc phát hiện và sửa lỗi của phần mềm. Kỹ năng này sẽ giúp Developer phân tích vấn đề và đưa ra các giải pháp xử lý một cách nhanh chóng và hợp lý nhất.

Phân biệt Developer và Programmer

Nhìn chung, Developer thường có phạm vi công việc rộng hơn Programmer. Ngoài việc coding, Developer còn thường quản lý các dự án về phần mềm. Việc này có thể bao gồm việc giao nhiệm vụ viết phần mềm cho các chuyên gia khác, quyết định loại code sử dụng cho phần mềm hay dựa vào nhu cầu khách hàng để thiết kế phần mềm. Trong khi đó, công việc của Programmer thường tập trung nhiều hơn vào việc viết, sửa lỗi và kiểm tra ngôn ngữ lập trình. Chính vì thế, Developer có thể sở hữu nhiều kiến thức chuyên sâu hơn Programmer.

Trên đây là bài viết về Developer là gì và nhiệm vụ, tố chất để trở thành một Developer thành công. Hy vọng bài viết này giúp bạn tìm kiếm được những thông tin cần thiết và có những quyết định đúng đắn cho con đường sự nghiệp của mình.

HR là gì? Công việc của HR gồm những gì?

HR được đánh giá là bộ phận đóng vai trò quan trọng góp phần phát triển và duy trì hoạt động của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Bài viết sau sẽ giải thích cho bạn hiểu HR là gì và HR quan trọng như thế nào đối với cả doanh nghiệp và người lao động.

HR là gì?

HR là từ viết tắt của Human Resource, nói một cách đơn giản là bộ phận Nhân sự. Bộ phận này có vai trò chịu trách nhiệm quản lý vòng đời nhân viên của một công ty (bao gồm tuyển dụng, chiêu mộ, giới thiệu, đào tạo, sa thải nhân viên) và quản lý các lợi ích cho nhân viên. Con người là tài sản quý giá đối với một công ty nên công việc của bộ phận Nhân sự luôn nắm vai trò quan trọng cho sự thành công của công ty ấy.

Trách nhiệm của HR gồm những gì?

Nhiều người cho rằng HR chỉ làm những công việc liên quan đến tuyển dụng. Sự thực là nhiệm vụ của bộ phận HR bao trùm nhiều hơn thế nữa. Sau đây là một số công việc mà hầu như mọi nhân viên HR đều bận rộn hằng ngày:

Tuyển dụng ứng viên

Nhân sự cần hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu đó được đáp ứng khi tuyển dụng cho các vị trí mới. Việc này không đơn giản là đăng bài trên các trang web tuyển dụng và mạng xã hội, nhân viên HR còn phải phân tích thị trường, tham khảo ý kiến của các bộ phận liên quan và quản lý ngân sách. Bài đăng của HR phải chất lượng, thể hiện đúng những gì công ty mong muốn đồng thời thu hút được nhiều nhân tài.

Sau đó, khi nhận được các đơn ứng tuyển, HR sẽ tiến hành sàng lọc và chọn ra những ứng viên phù hợp nhất để tiến hành lên lịch phỏng vấn. Tuyển dụng là công việc tốn nhiều thời gian và công sức vì khi ứng viên phù hợp có thể “hồi sinh” toàn bộ tổ chức trong khi ứng viên không phù hợp có thể làm đảo lộn công việc.

Tính lương

Việc tính lương bao gồm nhiều công đoạn như tính thuế, tính số giờ làm việc, các chi phí cần hoàn trả, tăng lương và tiền thưởng. Chính vì thế đây là một công việc không hề dễ dàng và cũng rất quan trọng.

Duy trì tính kỷ luật

Để công ty hoạt động có tính kỷ luật, HR sẽ có nhiệm vụ phổ biến và đảm bảo nhân viên thực hiện đúng những quy định mà công ty đã đề ra. Đây có thể là việc chấm công, đi trễ, trang phục… HR sẽ nhắc nhở nếu có nhân viên phạm phải và yêu cầu họ không tái phạm.

Cập nhật chính sách, luật cho nhân viên

Khi có sự thay đổi về luật lao động hoặc chính sách của công ty, HR sẽ tiến hành cập nhật đầy đủ hay đề xuất các biện pháp để đảm bảo quyền lợi của nhân viên, đồng thời thông báo sự đổi mới ấy đến những người có liên quan.

Lưu trữ hồ sơ của nhân viên

Mỗi nhân viên đều nộp hồ sơ cần thiết và có hợp đồng lao động khi làm việc tại công ty. Đây đều là những tài liệu quan trọng đối với cả hai bên nên việc lưu trữ chúng là rất quan trọng, cần có sự cẩn thận và sắp xếp một cách thông minh.

Phân tích lợi ích của nhân viên

Duy trì tính cạnh tranh là điều quan trọng hàng đầu để công ty thu hút nhân tài tốt. Bộ phận HR có nhiệm vụ phân tích lợi ích mà công ty đối thủ mang lại cho nhân viên của họ, từ đó đưa ra những đánh giá, đề xuất thay đổi về chính sách của công ty mình.

Tầm quan trọng của bộ phận HR

Đối với tổ chức, doanh nghiệp

HR được cho là bộ phận mà mọi công ty nên tập trung đầu tư bởi đây là bộ phận mang lại những lợi ích to lớn cho công ty, có thể kể đến như:

  • Tìm kiếm, tuyển dụng những nhân tài hàng đầu, phù hợp để đạt lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc.
  • Hỗ trợ tuân thủ các quy định để giảm thiểu nguy cơ bị phạt tiền hay kiện tụng.
  • Thúc đẩy văn hóa nơi làm việc, từ đó giúp cho nhân viên cảm thấy gắn bó hơn với công ty.
  • Đánh giá nhân viên, cung cấp chương trình đào tạo phù hợp với năng lực mỗi người.

Đối với người lao động

HR không chỉ hỗ trợ công ty quản lý nhân viên mà HR còn có mối quan hệ mật thiết với từng nhân viên. Một trong những lợi ích rõ ràng nhất mà HR mang lại cho nhân viên đó chính là cung cấp sự phát triển nghề nghiệp. Nhân sự cung cấp lộ trình thăng tiến giúp nhân viên có cái nhìn rõ ràng hơn và quyết định một tương lai lâu dài ở công ty. Sau đó, nhân sự tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ để xác định chương trình đào tạo cho nhân viên.

Bên cạnh đó, bộ phận HR còn giúp nhân viên trong nhiều khía cạnh như tính lương thưởng chính xác, xin nghỉ phép, nghỉ thai sản, hỗ trợ khi nhân viên có vấn đề về sức khỏe, bảo hiểm hay giải quyết những tranh chấp với công ty, với một đồng nghiệp khác…

Trên đây là bài viết về HR là gì và những nhiệm vụ, tầm quan trọng của bộ phận HR. Hy vọng bài viết mang lại cho bạn nhiều thông tin cần thiết và bổ ích cho con đường sự nghiệp của mình.

Mentor là gì? Thế nào là một Mentor tốt?

Hầu như ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn khi bắt đầu một việc nào đó, đặc biệt là trên con đường sự nghiệp. Thật tốt khi có một người cố vấn, hướng dẫn ta nên suy nghĩ và làm như thế nào cho đúng. Chính vì thế, thuật ngữ Mentor hay Mentee có lẽ đã trở nên quen thuộc hơn với chúng ta. Nếu bạn chưa biết rõ Mentor là gì thì cũng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Mentor là gì?

Mentor, hay còn gọi là người cố vấn, là những người hướng dẫn, giúp đỡ người khác trong quá trình phát triển cá nhân. Mentor cung cấp kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn hữu ích cho người được cố vấn (Mentee) bằng cách đưa ra những lời khuyên, hỗ trợ và trả lời các câu hỏi của Mentee. Mối quan hệ này giúp cho Mentee có những nhận thức và tìm được hướng đúng đắn để cố gắng trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình hay nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp.

Thế nào là một Mentor tốt?

Yếu tố đánh giá liệu người Mentor ấy có tốt hay không không phải là tuổi tác hay quyền lực người đó sở hữu, mà là các tố chất sau đây:

Trình độ chuyên môn: Một trong những yêu cầu đầu tiên để trở thành một Mentor hiệu quả đó là có kiến thức chuyên môn vững chắc và dày dặn kinh nghiệm. Mentor không nhất thiết là người có chức cấp cao hoặc có nhiều năm làm việc trong một lĩnh vực, nhưng các kỹ năng của họ đủ vững chắc để biến chúng thành những lời khuyên có giá trị cho người khác.

Lắng nghe một cách tích cực: Để hiểu được nhu cầu và mục tiêu của Mentee, người cố vấn cần biết cách tập trung lắng nghe để đưa ra những phản hồi hiệu quả nhất.

Khả năng giao tiếp: Mentor sẽ chỉ dẫn Mentee của mình hiệu quả hơn khi họ sở hữu khả năng giao tiếp tuyệt vời. Họ có thể thể hiện hết những ý tưởng mình, giúp Mentee hiểu rõ hơn vấn đề đang gặp phải. Từ đó tạo ra sự tương thích giúp mối quan hệ này trở nên gắn kết hơn.

Sự thấu hiểu: Một Mentor tốt sẽ dành thời gian để quan tâm, hiểu hơn về Mentee của mình. Điều này liên quan đến việc đặt ra câu hỏi về nền tảng, ước muốn hay đơn giản là cách mà Mentee học tập, tận hưởng thời gian của họ.

Làm thế nào để tìm cho mình một Mentor?

Điều đầu tiên trong việc tìm kiếm cho mình một Mentor chính là học cách tạo các mối quan hệ lành mạnh, chẳng hạn như tham gia các câu lạc bộ mình thích trong trường để làm quen với các anh chị khóa trước chẳng hạn.

Khi bạn mong muốn ai đó trở thành Mentor của mình, hãy tìm cách liên hệ và bắt đầu xây dựng mối quan hệ với họ. Tuy nhiên, bạn phải làm điều này một cách tinh tế và tự nhiên, như cách bạn mang lại sự gần gũi, khăng khít giữa “thầy và trò”. Một tip cho bạn là khi muốn hỏi ý kiến của Mentor về một chủ đề vào đó thì hãy chuẩn bị sẵn một số câu hỏi và đừng bắt họ phải trả lời ngay lập tức vì dễ tạo nên sự phiền hà, khó chịu cho họ đấy.

Bản thân Mentee nên làm gì?

Tùy thuộc vào tính cách, mục tiêu và sự kỳ vọng, các mối quan hệ Mentor-Mentee có thể khác nhau. Tuy nhiên, để trở thành một người Mentee thành công thì bạn nên rèn luyện cho mình những tố chất, kỹ năng sau:

Sự tôn trọng: Tôn trọng và tin tưởng là hai yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa Mentor và Mentee. Mentee phải có sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với Mentor vì họ đã dành thời gian và chia sẻ những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân họ học được.

Sự nỗ lực: Một Mentee được đánh giá cao khi họ luôn nỗ lực làm việc và học hỏi từ lời khuyên của người cố vấn. Điều này không chỉ thể hiện sự nghiêm túc đối với mục tiêu đã đề ra mà còn là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với Mentor của mình.

Sẵn sàng tiếp thu, học hỏi: Khi Mentor đã bỏ công sức chỉ dẫn thì Mentee phải sẵn sàng tiếp thu những đánh giá, kiến thức đó, bao gồm cả những phản hồi tích cực và lời phê bình mang tính xây dựng. Những phản hồi thực tế từ một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ giúp cho Mentee xác định được điểm mạnh và tập trung sửa đổi những điểm yếu của bản thân.

Làm Mentor thì có lợi ích gì?

Có thể nhiều người cho rằng, mối quan hệ Mentor-Mentee rõ ràng chỉ có lợi cho một phía là Mentee vì họ học tập được nhiều điều bổ ích, còn Mentor thì không. Lối suy nghĩ này có phần không đúng.

Đây là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi bởi chúng cũng có thể mang lại giá trị cá nhân cho người cố vấn. Với vai trò là một Mentor, họ có thể cải thiện mạng lưới quan hệ trong nghề, rèn luyện những kỹ năng, kiến thức chuyên môn, đồng thời mang lại cảm giác thỏa mãn, tự hào. Nhiều Mentor đã bày tỏ sự hãnh diện khi người mình cố vấn đạt được những thành công trên con đường sự nghiệp của họ. Trong một số trường hợp, trở thành một Mentor sẽ giúp cho họ cập nhật được thông tin, xu hướng mới trong ngành.

Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu hơn Mentor là gì và có thể tìm kiếm cho mình một người Mentor tốt nhất.

Người tham chiếu là gì trong CV xin việc? Tuyệt chiêu chọn người tham chiếu hiệu quả

Nếu bạn đã từng thử dùng những mẫu CV online có sẵn trên mạng trong quá trình tìm việc thì chắc hẳn đã từng thấy qua mục “Người tham chiếu” hay “Reference” rồi đúng không? Đa số những ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm vì nghĩ phần thông tin này không cần thiết. Tuy nhiên, sự thực thì đây lại là một yếu tố đóng vai trò khá quan trọng nếu bạn ứng tuyển vào nơi mà nhà tuyển dụng thực sự khắt khe. Vậy người tham chiếu là gì mà lại có sức ảnh hưởng như vậy?

  1. Người tham chiếu là gì?

Để hình dung một cách đơn giản nhất thì người tham chiếu được đề cập trong CV chính là những người đã từng làm việc, cộng tác chung cùng bạn ở công việc cũ. Đó có thể là đồng nghiệp, cấp trên hay thậm chí là đối tác đã từng hợp tác trước đây với bạn, miễn sao người đó có thể giúp bạn xác thực những thông tin mà bạn đã ghi trong CV.

Tại sao các nhà tuyển dụng lại cần người tham chiếu? Có một điều chắc chắn là khi làm một bản CV xin việc thì mọi người sẽ có xu hướng “đánh bóng” bản thân lên một chút từ học vấn, kỹ năng cho tới kinh nghiệm làm việc, mục đích là để gây ấn tượng với công ty ứng tuyển. Vậy thì phía nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đâu để đánh giá tính chính xác của những thông tin bạn cung cấp? Chính là nhờ vào những người tham chiếu, vì dựa vào những nhận xét hay thái độ mà người tham chiếu dành cho bạn – một đồng nghiệp cũ, nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn khách quan nhất khi xem xét cơ hội việc làm cho bạn.

2.  Nên chọn người tham chiếu thế nào?

Chính vì người tham chiếu sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định thái độ của nhà tuyển dụng dành cho bạn, nên việc chọn người tham chiếu gần như đúng nghĩa “chọn mặt gửi vàng”. Sau đây là một số yếu tố mà bạn nên tham khảo trước khi lựa chọn người phù hợp.

+ Người tham chiếu nên có kỹ năng giao tiếp tốt: Lời nói của một người có thể trả lời rõ ràng, rành mạch những câu “hỏi thăm” của nhà tuyển dụng đương nhiên sẽ đáng tin cậy hơn là một người ấp úng hay e ngại khi phải chia sẻ suy nghĩ cá nhân ra ngoài đúng không?

+ Hỏi ý kiến người tham chiếu: Đây là điều mà bạn chắc chắn phải làm trước khi muốn đưa bất kì ai vào mục người tham chiếu trong CV của mình. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho họ đồng thời cũng giúp họ có thể chuẩn bị trước những thông tin về bạn để có thể cung cấp cho bên tuyển dụng.

+ Chọn những người bạn đã từng làm việc trực tiếp với họ: Bởi vì hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ bạn là người như thế nào trong công việc. Thái độ của bạn với công việc ra sao, nghiêm túc hay hời hợt, tinh thần làm việc của bạn thế nào, tích cực hay bi quan…Tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá của nhà tuyển dụng dành cho bạn.

+ Chuẩn bị thông tin đầy đủ: Việc đưa đầy đủ thông tin về người tham chiếu rất quan trọng vì nếu bạn quên thì nhà tuyển dụng sẽ liên lạc với họ bằng cách nào đây? Thông tin cơ bản bao gồm: Tên tuổi, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email. Kèm theo đó là mối quan hệ của bạn với người tham chiếu.

Ngoài ra, có một lưu ý nhỏ là bạn nên liên lạc trước với người tham chiếu ít nhất 1- 2 ngày trước khi nộp CV để tránh trường hợp người bạn chọn vì bận rộn với công việc mà để lỡ mất cơ hội nâng điểm của bạn trong mắt công ty nhé.

3. Những câu hỏi nhà tuyển dụng hay hỏi người tham chiếu là gì?

Mọi chuyện sẽ luôn thuận lợi hơn nếu bạn có sự chuẩn bị. Việc bàn luận trước với người tham chiếu của bạn cũng vậy. Bạn hãy là người chủ động cung cấp cho họ biết trước một vài câu hỏi mà bên tuyển dụng có thể hỏi tới để hai người có thể “dò đúng sóng” khi được hỏi. Sau đây là một vài câu hỏi phổ biến:

3.1. Ứng viên làm gì ở công ty cũ?

Việc biết được vị trí của bạn ở công ty cũ sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đo lường được khối lượng công việc mà bạn đã từng làm, từ đó so sánh với công việc sắp tới bạn sẽ phải làm để xem bạn có phù hợp với vị trí này hay không.

3.2. Hiệu suất làm việc của ứng viên?

Đây chắc chắn sẽ là câu hỏi mà các nhà tuyển dụng nhắm tới. Trong thời buổi phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt như hiện nay thì việc các công ty muốn tuyển về cho mình những chiến binh xuất sắc với hiệu suất làm việc cao là điều hoàn toàn dễ hiểu.

3.3 Thái độ của ứng viên khi làm việc nhóm?

Kỹ năng làm việc nhóm là một trong những kỹ năng không thể thiếu khi làm việc trong một tập thể, dù là ai, ở bất kì vị trí nào đi chăng nữa. Cũng chính vì vậy mà một người có khả năng làm việc nhóm hiệu quả đương nhiên sẽ “ăn điểm” rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng đấy.  

3.4. Ứng viên có phải người đúng giờ không?

Trong việc đánh giá một ứng viên thì nhìn vào khả năng đảm bảo giờ giấc làm việc của họ là một chi tiết khá chính xác. Những người biết tôn trọng thời gian không chỉ của bản thân mình mà còn của đồng nghiệp thì chắc chắn là người làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp.

3.5. Điều gì ở ứng viên khiến người tham chiếu không hài lòng?

Đây tuy là một câu hỏi nhạy cảm nhưng những nhà tuyển dụng lại rất hay áp dụng đối với người tham chiếu. Chính vì vậy, khi bạn lựa người tham chiếu cũng nên tránh chọn những người đã từng có hiềm khích cá nhân không liên quan tới công việc ở nơi làm việc cũ, vì rất có thể họ sẽ đưa ra những ý kiến chủ quan gây ảnh hưởng tới góc nhìn của nhà tuyển dụng đối với bạn.

Hỏi ý kiến người tham chiếu là một phương pháp hữu ích dành cho nhà tuyển dụng để đánh giá sát sao năng lực của ứng viên. Bên cạnh đó, đây cũng là một cơ hội cho ứng viên để có thể nâng điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp “Người tham chiếu là gì?” để bạn có thể lựa chọn người phù hợp trong quá trình làm CV xin việc. Chúc bạn thành công.

Chăm sóc khách hàng là gì? Tiêu chuẩn chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp

Chăm sóc khách hàng là gì? Tiêu chuẩn chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp

Trong thời đại khách hàng là “thượng đế” như ngày nay thì chăm sóc khách hàng nổi lên như một nghề nghiệp chính thức và là một bộ phận không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Vậy chăm sóc khách hàng là gì mà lại có “quyền lực” lớn và ảnh hưởng tới bước đi tới thành công của doanh nghiệp đến như vậy?

  1. Chăm sóc khách hàng là gì?

Chăm sóc khách hàng là dịch vụ mà một công ty sẽ cung cấp trước và sau khi khách hàng mua hay sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về nhiều mặt của họ. Có thể nói chăm sóc khách hàng là bộ phận chịu trách nhiệm lớn trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ mà khách hàng đang có với công ty. Đi cùng với sự cạnh tranh chỗ đứng trên thị trường thì dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng là một thước đo hiệu quả để đánh giá chất lượng của một doanh nghiệp đang nằm ở mức nào.

Chăm sóc khách hàng ngày nay không chỉ gói gọn trong việc hỗ trợ qua điện thoại nữa mà còn được mở rộng sang rất nhiều phương thức khách như tin nhắn, email hay mạng xã hội. Một bộ phận chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả sẽ là đầu mối để thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một hay vài cá nhân riêng lẻ mà là của cả một tập thể nhằm mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm sử dụng dịch vụ tuyệt vời nhất khi tới với thương hiệu của mình.

Doanh nghiệp muốn xây dựng mô hình chăm sóc khách hàng toàn diện cần phải có những công cụ hỗ trợ như: Tổng đài hỗ trợ khách hàng, hệ thống quản lý cuộc gọi, quản lý quan hệ khách hàng (CRM).

  • Công việc của nhân viên chăm sóc khách hàng

Hiện nay hầu hết các công ty đều có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng với hệ thống quy chuẩn được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp chỉ để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thông thường, nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ có những nhiệm vụ chính sau:

  •    Tương tác hiệu quả với khách hàng qua các kênh trung gian

Nhân viên trong bộ phận chăm sóc khách hàng là người góp phần giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với công ty đồng thời cũng giúp công ty chủ động tương tác với khách hàng qua các kênh thông tin trong quá trình kinh doanh.

  •  Tiếp nhận và xử lý các phản hồi từ khách hàng

Nhân viên là đầu mối tiếp nhận và lắng nghe những phản hồi, ý kiến của khách hàng về dịch vụ mà công ty cung cấp. Sau đó, cũng chính nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ là người thay mặt cho công ty đưa ra những phản hồi và cách giải quyết đồng thời xoa dịu tinh thần cho mọi vấn đề mà khách hàng gặp phải.

  •  Phối hợp với các bộ phận khác đề xuất phương án nâng cao hiệu quả kinh doanh

Cũng chính vì là bộ phận tiếp nhận trực tiếp phản hồi của khách hàng về sản phẩm cũng như dịch vụ của công ty nên bộ phận chăm sóc khách hàng chắc chắn sẽ nắm rõ những vấn đề của sản phẩm nằm ở đâu hay mong muốn của khách hàng là như thế nào. Dựa vào đó, sau đó họ sẽ phối hợp với những bộ phận khác phân tích và phân loại vấn đề, cuối cùng đưa ra phương án giải quyết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

  •   Lên kế hoạch và thực hiện thường xuyên

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhân viên chăm sóc khách hàng đó chính là lên kế hoạch thăm hỏi và chủ động tặng quà, đặc biệt là những khách hàng thân thiết hay VIP của công ty vào những dịp lễ, Tết hay dịp đặc biệt như sinh nhật của khách. Đây là một việc cần được sắp xếp và thực hiện theo quy trình một cách nghiêm túc và tỉ mỉ thì mới có thể đạt được hiệu quả tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công ty đối với khách hàng và ngược lại.

  • Tiêu chuẩn của nhân viên chăm sóc khách hàng là gì?

Để là một nhân viên chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp hoàn toàn không đơn giản như mọi người thường nghĩ. Muốn chinh phục được cái nghề “làm dâu trăm họ” này thì người nhân viên rất cần có những kỹ năng sau:

  • Nắm vững kiến thức về sản phẩm: Nếu bản thân nhân viên không hiểu về sản phẩm của công ty thì sao có thể hỗ được khách hàng khi họ có thắc mắc hay muốn tìm hiểu?
  • Sẵn sàng và kiên nhẫn lắng nghe: Khi khách hàng tìm tới bạn nghĩa là họ đang cần một sự giúp đỡ và chia sẻ, hãy thật chú tâm khi lắng nghe nhu cầu của khách để có thể thấu hiểu được họ một cách sâu sắc nhất.
  • Thấu hiểu tâm lý khách hàng: Đôi khi khách hàng sẽ không nói thẳng ra cho bạn nghe là họ muốn gì, vì thế bạn sẽ phải dựa vào thông tin mà họ cung cấp để nắm bắt kịp thời nhu cầu của khách, từ đó đưa ra những lời tư vấn hay hỗ trợ phù hợp để khách hài lòng.
  • Có trách nhiệm: Là một nhân viên chăm sóc khách hàng, lời nói của bạn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ phía khách hàng cũng như công ty. Chính vì vậy mà bất kì thông tin nào bạn tư vấn hay giải đáp cho khách hàng, bạn cũng đều phải hết sức có trách nhiệm.
  • Xử lý tình huống linh hoạt: Chắc chắn sẽ có những trường hợp khách hàng đưa ra những yêu cầu nằm ngoài tầm kiểm soát và quyền hạn xử lý của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ từ chối hỗ trợ khách một cách thẳng thừng. Bạn phải nghĩ ra một hướng đi khéo léo hơn sao cho vừa có lợi cho khách nhưng lại không ảnh hưởng tới lợi ích của công ty.

Đối với khách hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng chỉ đơn giản là nơi họ tìm tới để được đáp ứng nhu cầu, nhưng đối với doanh nghiệp thì chăm sóc khách hàng lại chính là cách thức để có thể đánh giá được mức độ hài lòng của khách đối với sản phẩm và dịch vụ mà mình cung cấp.

Không chỉ vậy, ngày nay ngoài mẫu mã và chất lượng sản phẩm thì dịch vụ hậu mãi của doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu đó. Vì thế, hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu được chăm sóc khách hàng là gì và cách để xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng hiệu quả cho công ty của mình.

Thành đạt là gì? Phẩm chất nào tạo nên những người thành đạt.

“Sống là phải có mục tiêu, để mỗi ngày thức dậy biết rằng mình sống vì điều gì?”, có ai đó đã từng nói như vậy. Quả đúng, đối với người trưởng thành, mỗi ngày miệt mài đi làm chắc hẳn đều là vì mục tiêu nào đó. Sống để trở nên giỏi giang, sống để cống hiến cho đất nước và đặc biệt là sống để trở thành người thành đạt. Vậy thành đạt là gì mà nó lại trở thành mục tiêu theo đuổi của nhiều người đến vậy?

  1. Khái niệm thành đạt

“Thành đạt” là một khái niệm nghe qua dường như rất dễ hiểu nhưng thực ra lại vô cùng mơ hồ. Phải chăng thành đạt là trở thành “ông nọ bà kia”? Hay thành đạt là kiếm được thật nhiều tiền và có một cuộc sống bao người mơ ước? Thực ra, thành đạt giải thích một cách dễ hiểu nhất chính là từ để mô tả một người có địa vị hay danh tiếng nhất định ngoài xã hội, tuy nhiên, sâu sắc hơn nữa thì thành đạt chính là một người có thể đạt được những mục tiêu hay thành tựu to lớn do bản thân tự đặt ra ở một thời điểm quan trọng trong cuộc đời.

  • Đặc điểm của người thành đạt là gì?

Có khá nhiều người khi đã thành đạt thường trả lời khiêm tốn rằng “Do may mắn thôi!” khi được hỏi “Làm như thế nào bạn có thể thành công như thế này?”. Nhưng thực ra, may mắn chỉ là một yếu tố rất rất nhỏ trên con đường đi tới thành công, phần lớn thành tựu mà người thành đạt gặt hái được đều đến từ chính sự nỗ lực và cố gắng bước đi của chính bản thân họ. Hầu hết những người thành đạt sẽ có chung đặc điểm sau:

Sống có mục đích: Không có người thành đạt nào “đi bừa” mà lại có thể chiến thắng cả. Họ luôn biết rõ mục tiêu của họ là gì, hướng đi ra sao, đi như thế nào? Người thành đạt không bao giờ chấp nhận những gì được cuộc đời ban sẵn, họ tự đặt ra cho mình thử thách và tự bản thân cố gắng để chinh phục được thử thách đó.

Tin tưởng bản thân: Trong một cộng đồng, có phải điều bạn sợ nhất chính là đi ngược lại với số đông? Nhưng người thành đạt thì không. Khi không ai đứng cùng mình, họ chăm chỉ làm việc để chứng minh. Khi kế hoạch thất bại những lần đầu, họ không ngừng cải tiến và phát triển để sản phẩm lần sau hoàn chỉnh hơn. Tất cả những sự bền bỉ mà họ có được chính là vì họ tin tưởng và tự tin vào chính mình. Đây cũng chính là một trong những tố chất đáng nể mà chúng ta cần học hỏi từ những người thành công.

Quyết tâm và quyết đoán: Giấc mơ sẽ chẳng bao giờ thành sự thực nếu nó cứ mãi nằm yên trong suy nghĩ của bạn. Người thành đạt cũng biết điều này, vì thế thay vì ngồi và nghĩ, họ hành động, một cách quyết liệt. Người chiến thắng là người dám nghĩ dám làm và làm bằng mọi giá để đạt được điều mình muốn. Đôi khi những quyết định của họ có thể ảnh hưởng tới một tập thể hay kế hoạch lớn, nhưng họ không chần chừ, họ dám chịu trách nhiệm cho mọi thứ mà mình làm. Quả thật không ngoa khi nói rằng để thành công, cần hơn hết chính là sự bản lĩnh.

Học hỏi mọi người và chính bản thân: Có bao giờ bạn thắc mắc bí quyết để trở nên tài giỏi của người thành đạt là gì không? Đó chính là họ không bao giờ ngừng học hỏi, họ biết không ai hoàn hảo, và họ lựa chọn tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày để trở nên hoàn mỹ nhất có thể. Họ không đổ lỗi khi mắc sai lầm, họ rút kinh nghiệm cho lần sau. Họ không giấu diếm việc mình không biết một lĩnh vực nào đó, họ sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu kiến thức. Nhờ thế mà họ nhận ra điểm yếu của bản thân và trở nên tốt hơn qua từng ngày.

 Luôn cứng cỏi: Cứng cỏi không phải là cứng đầu. Cứng cỏi là dám đối đầu với thử thách bằng chấp nhận rằng khó khăn là điều bình thường và mình phải vượt qua được bằng mọi giá. Nếu gặp một người thành đạt, bạn sẽ thấy dường như họ không sợ hãi bất cứ điều gì, đó là vì họ đã luôn cứng cỏi để vượt qua những chông gai trước đó, vì vậy họ nghĩ rằng sẽ chẳng có gì có thể khiến họ lùi bước nữa.

Thái độ tích cực: Tại sao trong một tình huống cấp bách hay bất lợi mà những người thành đạt luôn nghĩ ra được phương án xử lý rất hiệu quả? Vì họ là những người lạc quan, họ luôn nhìn thấy những đốm sáng ở ngay cả nơi tối tăm nhất, thấy cái may trong cái rủi, thấy cơ hội trong thử thách và thấy tương lai trong khó khăn hiện tại.

Hiểu biết và kiên nhẫn: Hiểu biết không đơn giản chỉ là trong công việc, chuyên môn mà còn là hiểu biết cách đối nhân xử thế, hiểu biết về quy luật vận hành của xã hội, vì thế mà người thành đạt có những góc nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn với những gì diễn ra xung quanh. Cũng chính vì điều này mà họ luôn kiên nhẫn hơn những người bình thường. Họ tôn trọng tất cả mọi người và biết thông cảm cho những sai lầm của người khác, vì họ hiểu chính họ cũng đã từng rất non nớt. Còn đối với những mục tiêu của riêng mình, những người thành đạt sẽ hiểu được rằng biết kiên nhẫn chính là chìa khóa để họ có thể nhận được những điều thực sự xứng đáng.

  • Tiêu chuẩn trở thành một người thành đạt là gì?

Mỗi người có một mục tiêu sống khác nhau nên tiêu chuẩn về sự thành đạt của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, một hình mẫu lý tưởng cho sự thành đạt thì người đó sẽ hội tụ những yếu tố sau.

Về trí tuệ, bạn phải là người không ngại tìm tòi, nghiên cứu, không ngại cập nhật kiến thức để nâng cao chuyên môn mỗi ngày. Bạn phải luôn giữ cho mình tinh thần sẵn sàng học hỏi và chấp nhận sửa sai khi thất bại.

Về tài chính – yếu tố chính để đánh giá sự thành đạt của một người. Chúng ta không thể phủ nhận rằng tiền bạc hay của cải chính là thước đo cho sự thành đạt của một người trong xã hội. Mà để đạt được điều này thì con đường ngắn nhất đó chính là làm việc chăm chỉ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính là tâm hồn bên trong của một người được coi là thành đạt. Sẽ chẳng có ai gọi một người hẹp hòi, gian manh hay tự cao tự đại là thành đạt. Một người thành đạt là người sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho người đi sau, không ngần ngại cho đi những điều tốt đẹp và quan trọng nhất chính là họ có một chuẩn mực đạo đức riêng để đi theo và thực hiện.

Thật không dễ để trở thành người thành đạt nhưng đây không phải là điều hoàn toàn không thể, quan trọng là bạn có muốn hay không. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, tương lai bạn ra sao do chính bạn lựa chọn. Hẹn gặp bạn – người thành đạt vào một ngày không xa!

Mục Tiêu Là Gì? Các Cách Tạo Lập Mục Tiêu Đúng

Ai trong chúng ta cũng có những ước mơ và hoài bão, cũng đều mong muốn vươn đến thành công. Vậy để có thể từng bước đạt được những khát vọng của mình chúng ta phải tiến hành lập ra cho mình các mục tiêu cần thực hiện. Vậy mục tiêu là gì mà có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chúng ta? Hãy cùng đọc bài viết bên dưới để hiểu rõ hơn nhé!

  1. Mục tiêu là gì?

Mục tiêu là một kế hoạch vạch ra để đạt được những kết quả mong muốn trong tương lai của một người hay một nhóm người. Mục tiêu có ý nghĩa gần giống với mục đích hay ý định và người đặt ra mục tiêu phải hình dung được hướng đi, kế hoạch thực hiện và cam kết để đạt được chúng trong một khoảng thời gian hữu hạn bằng cách đặt ra hạn chót. Có thể thấy mục tiêu đóng một vai trò quan trọng vì nó ảnh hưởng đến hành động và quyết định của chúng ta.

  • Các cách đặt mục tiêu trong công việc và cuộc sống thường ngày

Đặt mục tiêu không phải là công việc quá khó nhưng làm thế nào để có được mục tiêu đúng thì lại cực kỳ cần thiết. Bởi việc đặt ra mục tiêu không đúng sẽ dễ khiến bạn lơ là và dần lãng quên mục tiêu đề ra trước đó. Để có thể mang lại kết quả như mong đợi thì dưới đây là các cách đặt ra mục tiêu đúng với 4 tiêu chí sau:

  • Mục tiêu phải rõ ràng, cụ thể, đo lường được

Một ví dụ minh họa cho tiêu chí này đó là, nếu bạn đặt ra mục tiêu là “Tôi sẽ học giỏi hơn, đạt thành tích cao hơn” hoặc “Tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn” thì đều là các mục tiêu không đúng bởi trong mục tiêu mà bạn đặt ra không thể hiện tiêu chí rõ ràng – cụ thể – đo lường được làm bạn sẽ dễ quên đi mục tiêu của mình. Vậy bạn có thể dựa vào tiêu chí trên mà đặt ra một mục tiêu đúng như là: Tôi muốn tiết kiệm được 10 triệu trong 3 tháng tới hoặc tôi muốn đứng vị trí thứ 2 trong lớp về thành tích học tập trong học kỳ I này.

  • Mục tiêu của bạn phải có thời hạn cụ thể

Chính việc đặt ra giới hạn về thời gian sẽ góp phần tạo ra những động lực thôi thúc bạn thực hiện những kế hoạch đề ra một cách nghiêm túc. Nếu một mục tiêu mà không có thời hạn rõ ràng thì dễ làm cho chúng ta rơi vào tình trạng ỷ lại, làm việc một cách chậm chạp và không mang lại kết quả gì.

  • Mục tiêu phải hấp dẫn

Mục tiêu đặt ra là để chinh phục vì thế không nên đặt mục tiêu quá dễ dàng để đạt được mà cần phải có tính thử thách, điều này sẽ giúp bạn luôn nỗ lực thực hiện. Nếu bạn đang thắc mắc rằng nếu đặt ra mục tiêu vượt quá khả năng và cho dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không đạt được thì có phải là đã thất bại không? Thì câu trả lời là dù bạn không đạt được mục tiêu như ban đầu nhưng với những nỗ lực vượt bậc của bản thân thì bạn đã vượt qua chính mình, tiến bộ hơn và chắc chắn bạn sẽ thành công với một mục tiêu khác.

2.4 Trả lời được câu hỏi: Tại sao bạn muốn đạt được mục tiêu?

Đây được coi là tiêu chí quan trọng nhất cho mọi mục tiêu của bạn vì khi bạn trả lời được tại sao mình muốn đạt được mục tiêu thì dù trong chặng đường đi đến mục tiêu có rất nhiều thử thách và áp lực làm bạn mệt mỏi hay thậm chí muốn buông xuôi, nhưng chính những lý do bạn muốn đạt mục tiêu sẽ là động lực thôi thúc bạn mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn để vượt qua mọi khó khăn và tiến gần đến mục tiêu của mình.

Một lưu ý quan trọng đó là sau khi lập các kế hoạch hành động cho mục tiêu thì trong vòng 36 giờ đầu tiên, bạn cần phải thực hiện những công việc đầu tiên trong kế hoạch ấy để từng bước đi đến mục tiêu của mình. Tránh trường hợp bạn đặt ra mục tiêu, kế hoạch nhưng lại gác sang một bên và quên luôn sau đó.

Ắt hẳn qua bài viết thì bạn đã có thêm kiến thức về mục tiêu là gì, ngoài ra còn được hướng dẫn cụ thể về cách để đặt ra mục tiêu cho bản thân thật chính xác và hiệu quả. Việc lập kế hoạch, mục tiêu trong cuộc sống là vô cùng cần thiết và hữu ích vì thế ngay từ bây giờ bạn có thể áp dụng những lời khuyên trên cho các mục tiêu của mình.

Headhunter Là Gì? Những Công Việc Của Headhunter

Trong hoạt động kinh doanh thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng muốn trang bị một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, trình độ cao để có thể thúc đẩy sự phát triển tăng trưởng của doanh nghiệp. Đặc biệt đối với những vị trí cấp cao, có vai trò chủ chốt thì việc tìm một người hội tụ đủ năng lực, kỹ năng, trình độ là vô cùng cần thiết. Và để tìm ra được những nhân tố ấy thì doanh nghiệp cần phải nhờ đến đội ngũ Headhunter để có thể mang về những ứng viên như mong muốn của công ty. Vậy Headhunter là gì? Chúng ta hãy đọc bài viết sau để có thêm nhiều thông tin hữu ích.

  1. Headhunter là gì?

Headhunter hay gọi nôm na theo nghĩa tiếng Việt là “thợ săn đầu người”, chỉ những người chuyên tìm kiếm các ứng viên tài năng, nhân sự cấp cao cho các tập đoàn hay doanh nghiệp.

Những người làm Headhunter thường theo học và tốt nghiệp các nhóm ngành về kinh tế và xã hội. Vì được các công ty thuê để tuyển dụng nguồn lực cấp cao nên trong quá trình tìm kiếm và khảo sát sơ bộ, Headhunter sẽ không thu phí của ứng viên mà sẽ tư vấn để họ tìm được vị trí phù hợp, phát huy năng lực và phát triển được sự nghiệp một cách tốt nhất.

Thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các công ty để có thể đứng vững được trong một môi trường cạnh tranh gay gắt và quá nhiều đối thủ thì cần phải có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tài năng dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tăng. Xuất phát từ nhu cầu cấp bách này, đặc biệt là với những vị trí càng cao thì việc tuyển dụng càng khó khăn thì Headhunter ra đời để giúp các doanh nghiệp tìm được ứng viên phù hợp.

  • Công việc của Headhunter là gì?

Công việc của Headhunter là mang ứng viên về cho nhà tuyển dụng, vì thế tùy vào lĩnh vực, vị trí cần tuyển dụng và phong cách làm việc mà mỗi  “thợ săn” có cách tìm ứng viên riêng, nhưng nhì chung đều có các đặc điểm chung dưới đây: 

Khi nhận một dự án mới, Headhunter sẽ bắt đầu tìm kiếm thông tin cần thiết để nắm rõ về vị trí việc làm mà doanh nghiệp đang cần tuyển dụng. 

Khi đã có đầy đủ thông tin, bước tiếp theo là các thợ săn sẽ tiến hành nghiên cứu để xác định các ứng viên cấp cao cần xem xét và sẽ lựa chọn ra những ứng viên tiềm năng để liên hệ trước với họ qua điện thoại. 

Sau các bước chọn lọc ban đầu, Headhunter sẽ gửi cho doanh nghiệp hồ sơ về thông tin các ứng viên được chọn kèm với bảng đánh giá chi tiết về năng lực của từng người. Nếu những ứng viên nào đáp ứng được những yêu cầu cơ bản thì sẽ được doanh nghiệp liên hệ phỏng vấn trực tiếp.

Vượt qua giai đoạn phỏng vấn, ứng viên được chọn vào làm việc sẽ có thời gian thảo luận trực tiếp hoặc qua thư mời thử việc với doanh nghiệp về công việc cụ thể cho vị trí của mình cùng chế độ lương, thưởng, chính sách đãi ngộ… Doanh nghiệp sẽ gửi thư mời thử việc cho cả ứng viên và Headhunter bởi nhiệm vụ của những “thợ săn” vẫn chưa kết thúc. Thông thường, quá trình tuyển dụng có sự tham gia của Headhunter sẽ kéo dài từ 5 – 6 tuần bởi công việc của các thợ săn đầu người không chỉ đơn giản là tìm ứng viên hay sắp xếp các buổi phỏng vấn để kết nối ứng viên với doanh nghiệp, mà còn nhiều bước nữa bởi nếu ứng viên trúng tuyển, Headhunter còn lại tiếp tục theo dõi quá trình thử việc của ứng viên ở công ty đó và tư vấn thêm cho họ các thông tin về doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các tình huống phát sinh như ứng viên không thể tiếp tục công việc thì lúc này headhunter cần tìm ra nguyên nhân của vấn đề để đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp cho ứng viên và cũng là để rút kinh nghiệm cho lần tuyển dụng sau.

Chắc hẳn sau khi đọc bài viết thì bạn đã hiểu rõ Headhunter là gì cũng như nắm được phần nào những công việc cơ bản mà các thợ săn đầu người đảm nhiệm. Đây là một công việc thú vị, mức lương hấp dẫn tuy nhiên đây cũng là một công việc áp lực và yêu cầu bạn phải đối mặt với các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, bảo mật thông tin khách hàng, đặc biệt phải thật chuyên nghiệp khi làm việc với những ứng viên cao cấp hoặc khách hàng khó tính.