Nếu bạn đã từng thử dùng những mẫu CV online có sẵn trên mạng trong quá trình tìm việc thì chắc hẳn đã từng thấy qua mục “Người tham chiếu” hay “Reference” rồi đúng không? Đa số những ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm vì nghĩ phần thông tin này không cần thiết. Tuy nhiên, sự thực thì đây lại là một yếu tố đóng vai trò khá quan trọng nếu bạn ứng tuyển vào nơi mà nhà tuyển dụng thực sự khắt khe. Vậy người tham chiếu là gì mà lại có sức ảnh hưởng như vậy?
- Người tham chiếu là gì?
Để hình dung một cách đơn giản nhất thì người tham chiếu được đề cập trong CV chính là những người đã từng làm việc, cộng tác chung cùng bạn ở công việc cũ. Đó có thể là đồng nghiệp, cấp trên hay thậm chí là đối tác đã từng hợp tác trước đây với bạn, miễn sao người đó có thể giúp bạn xác thực những thông tin mà bạn đã ghi trong CV.
Tại sao các nhà tuyển dụng lại cần người tham chiếu? Có một điều chắc chắn là khi làm một bản CV xin việc thì mọi người sẽ có xu hướng “đánh bóng” bản thân lên một chút từ học vấn, kỹ năng cho tới kinh nghiệm làm việc, mục đích là để gây ấn tượng với công ty ứng tuyển. Vậy thì phía nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đâu để đánh giá tính chính xác của những thông tin bạn cung cấp? Chính là nhờ vào những người tham chiếu, vì dựa vào những nhận xét hay thái độ mà người tham chiếu dành cho bạn – một đồng nghiệp cũ, nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn khách quan nhất khi xem xét cơ hội việc làm cho bạn.
2. Nên chọn người tham chiếu thế nào?
Chính vì người tham chiếu sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định thái độ của nhà tuyển dụng dành cho bạn, nên việc chọn người tham chiếu gần như đúng nghĩa “chọn mặt gửi vàng”. Sau đây là một số yếu tố mà bạn nên tham khảo trước khi lựa chọn người phù hợp.
+ Người tham chiếu nên có kỹ năng giao tiếp tốt: Lời nói của một người có thể trả lời rõ ràng, rành mạch những câu “hỏi thăm” của nhà tuyển dụng đương nhiên sẽ đáng tin cậy hơn là một người ấp úng hay e ngại khi phải chia sẻ suy nghĩ cá nhân ra ngoài đúng không?
+ Hỏi ý kiến người tham chiếu: Đây là điều mà bạn chắc chắn phải làm trước khi muốn đưa bất kì ai vào mục người tham chiếu trong CV của mình. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho họ đồng thời cũng giúp họ có thể chuẩn bị trước những thông tin về bạn để có thể cung cấp cho bên tuyển dụng.
+ Chọn những người bạn đã từng làm việc trực tiếp với họ: Bởi vì hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ bạn là người như thế nào trong công việc. Thái độ của bạn với công việc ra sao, nghiêm túc hay hời hợt, tinh thần làm việc của bạn thế nào, tích cực hay bi quan…Tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá của nhà tuyển dụng dành cho bạn.
+ Chuẩn bị thông tin đầy đủ: Việc đưa đầy đủ thông tin về người tham chiếu rất quan trọng vì nếu bạn quên thì nhà tuyển dụng sẽ liên lạc với họ bằng cách nào đây? Thông tin cơ bản bao gồm: Tên tuổi, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email. Kèm theo đó là mối quan hệ của bạn với người tham chiếu.
Ngoài ra, có một lưu ý nhỏ là bạn nên liên lạc trước với người tham chiếu ít nhất 1- 2 ngày trước khi nộp CV để tránh trường hợp người bạn chọn vì bận rộn với công việc mà để lỡ mất cơ hội nâng điểm của bạn trong mắt công ty nhé.
3. Những câu hỏi nhà tuyển dụng hay hỏi người tham chiếu là gì?
Mọi chuyện sẽ luôn thuận lợi hơn nếu bạn có sự chuẩn bị. Việc bàn luận trước với người tham chiếu của bạn cũng vậy. Bạn hãy là người chủ động cung cấp cho họ biết trước một vài câu hỏi mà bên tuyển dụng có thể hỏi tới để hai người có thể “dò đúng sóng” khi được hỏi. Sau đây là một vài câu hỏi phổ biến:
3.1. Ứng viên làm gì ở công ty cũ?
Việc biết được vị trí của bạn ở công ty cũ sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đo lường được khối lượng công việc mà bạn đã từng làm, từ đó so sánh với công việc sắp tới bạn sẽ phải làm để xem bạn có phù hợp với vị trí này hay không.
3.2. Hiệu suất làm việc của ứng viên?
Đây chắc chắn sẽ là câu hỏi mà các nhà tuyển dụng nhắm tới. Trong thời buổi phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt như hiện nay thì việc các công ty muốn tuyển về cho mình những chiến binh xuất sắc với hiệu suất làm việc cao là điều hoàn toàn dễ hiểu.
3.3 Thái độ của ứng viên khi làm việc nhóm?
Kỹ năng làm việc nhóm là một trong những kỹ năng không thể thiếu khi làm việc trong một tập thể, dù là ai, ở bất kì vị trí nào đi chăng nữa. Cũng chính vì vậy mà một người có khả năng làm việc nhóm hiệu quả đương nhiên sẽ “ăn điểm” rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng đấy.
3.4. Ứng viên có phải người đúng giờ không?
Trong việc đánh giá một ứng viên thì nhìn vào khả năng đảm bảo giờ giấc làm việc của họ là một chi tiết khá chính xác. Những người biết tôn trọng thời gian không chỉ của bản thân mình mà còn của đồng nghiệp thì chắc chắn là người làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp.
3.5. Điều gì ở ứng viên khiến người tham chiếu không hài lòng?
Đây tuy là một câu hỏi nhạy cảm nhưng những nhà tuyển dụng lại rất hay áp dụng đối với người tham chiếu. Chính vì vậy, khi bạn lựa người tham chiếu cũng nên tránh chọn những người đã từng có hiềm khích cá nhân không liên quan tới công việc ở nơi làm việc cũ, vì rất có thể họ sẽ đưa ra những ý kiến chủ quan gây ảnh hưởng tới góc nhìn của nhà tuyển dụng đối với bạn.
Hỏi ý kiến người tham chiếu là một phương pháp hữu ích dành cho nhà tuyển dụng để đánh giá sát sao năng lực của ứng viên. Bên cạnh đó, đây cũng là một cơ hội cho ứng viên để có thể nâng điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp “Người tham chiếu là gì?” để bạn có thể lựa chọn người phù hợp trong quá trình làm CV xin việc. Chúc bạn thành công.